Rẽ trái – rẽ phải vẫn… gặp nhau

by teacher

Bộ truyện tranh “Rẽ trái, rẽ phải” của họa sĩ Jimmy Liêu, người Đài Loan, xuất bản năm 1998, được cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới rất yêu thích. Gần đây, những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh như Cơn lốc tình yêu, Sao băng, Chuyện tình biển xanh… được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Mặt khác, bộ phim điện ảnh “Tiếng sét ái tình” chuyển thể từ truyện tranh Rẽ trái, rẽ phải của Đài Loan tạo được tiếng vang lớn. Không bỏ qua cơ hội, các nhà làm phim Trung Quốc đã quyết định chuyển thể thành phim truyền hình. Họ đã phải chịu một áp lực rất lớn trong quá trình thực hiện bộ phim này.

Truyện tranh Rẽ trái, rẽ phải của Jimmy nổi tiếng từ nhân vật đến cảnh trí đều đẹp như tranh, khiến khán giả đọc truyện có cảm giác lạc vào thế giới cổ tích, huyền ảo và lãng mạn. Các nhà làm phim đã bỏ nhiều công sức đến nhiều nơi như Thượng Hải, Bắc Kinh, Đài Loan, Hồng Công, Singapore… để tìm ngoại cảnh. Cuối cùng, họ quyết định chọn Thượng Hải (chứ không phải là Đài Bắc như phim nhựa) vì cảnh trí ở đây đáp ứng được yêu cầu. Họ còn tìm được một công viên có đài phun nước, thảm cỏ xanh, cầu vượt… gần giống như mô tả trong truyện. Tòa chung cư mà hai nhân vật chính (nghệ sĩ violon Thẩm Thế Đào và nhà văn Thôi Lạc Bình) cư ngụ được dựng theo mô hình “rẽ trái, rẽ phải”.

Có thể bạn quan tâm:  DigiFinTech

Khai thác lợi thế của phim truyền hình là thời lượng phát sóng dài hơn phim nhựa, kịch bản Tiếng sét ái tình đã được cải biên, thêm thắt nhiều tình tiết cũng như mở rộng mối quan hệ của các nhân vật để tạo thêm kịch tính. Qua nhiều lần lựa chọn, sửa chữa các nhà làm phim mới chọn được một kịch bản ưng ý. Chuyện phim không chỉ lấy tình yêu làm chủ đề mà còn khắc họa rõ nét những mục tiêu lý tưởng và sự phấn đấu không ngừng của lớp người trẻ tuổi. Phần cuối của phim hoàn toàn được viết thêm như: Thẩm Thế Đào bị tai nạn giao thông dẫn đến mất thính giác, từ chối tình cảm và sự quan tâm của Lạc Bình khiến cô rời khỏi Thượng Hải một thời gian. Sau khi Thế Đào phục hồi thích giác và trở thành một nghệ sĩ tài năng Lạc Bình mới về lại Thượng Hải. Họ tìm được nhau ở công viên năm xưa… Không chỉ viết thêm cho tuyến nhân vật chính mà kịch bản còn xây dựng thêm tuyến nhân vật thứ ba: Thẩm Thế Nhàn (em gái Thế Đào), Đường Minh, Thạch Thượng Nghị (người đơn phương yêu Lạc Bình). Đường Minh là một đầu bếp, anh và Thế Nhàn yêu nhau đã lâu nhưng vì hiểu lầm mà chia tay. Không thuyết phục được tình yêu của Lạc Bình, tổng giám đốc Thạch Thượng Nghị đem lòng yêu Thẩm Thế Nhàn…

Có thể bạn quan tâm:  Bật mí top 8 loại trà nổi tiếng nhất Đài Loan

Bộ phim truyền hình Tiếng sét ái tình có nhiều cảnh quay với góc máy tuyệt đẹp và lãng mạn, tạo hình và trang phục của các diễn viên cũng rất đẹp. Khi được xem bản phim rút ngắn, họa sĩ Jimmy không giấu sự hài lòng. Theo ông, bộ phim truyền hình Tiếng sét ái tình được làm rất gần với nguyên tác, không những thế tính cách nhân vật và những cảnh trí còn được khắc họa sinh động, đẹp hơn nhiều so với truyện tranh.

Diễn viên Trung Quốc Lục Nghị với vóc dáng thư sinh cùng đôi mắt hơi buồn được chọn thể hiện vai nghệ sĩ violon Thẩm Thế Đào. Diễn viên Đài Loan Giả Tịnh Văn được giao vai nhà văn Thôi Lạc Bình, nhưng gây nhiều bất ngờ nhất là dàn diễn viên của tuyến nhân vật viết thêm. Vai Thẩm Thế Nhàn được giao cho Lý Hà, hiện là người chủ trì nhiều tiết mục truyền hình được khán giả yêu thích như: thời trang, thế giới giải trí, nhạc trẻ… trên màn ảnh truyền hình Trung Quốc. Tiếng sét ái tình là phim truyền hình đầu tiên của cô. Cuối tháng 10-2003 khi đoàn làm phim ra mắt ở Thượng Hải có mặt Lý Học Khánh (siêu mẫu, diễn viên ngôi sao đang lên của Trung Quốc) và Hứa Thiệu Dương (diễn viên ngôi sao đang lên của Đài Loan) với tư cách là diễn viên trong phim, nhưng khi phim bấm máy, nam diễn viên trẻ Kiều Chấn Vũ đã thay thế Lý Học Khánh đóng vai Thạch Thượng Nghị. Đồng thời, Hứa Thiệu Dương xin rút vai Đường Minh mà chuyển giao cho Ngô Khánh Triết (siêu mẫu, diễn viên trẻ đang lên của Trung Quốc). Sở dĩ Hứa Thiệu Dương không tham gia phim Tiếng sét ái tình vì anh mang quốc tịch Mỹ nên gặp trở ngại khi làm thủ tục sang Trung Quốc đóng phim…

Có thể bạn quan tâm:  Dịch thuật tiếng Trung

(Phim truyền hình Trung Quốc, dài 20 tập, phát trên sóng HTV 9 lúc 22 giờ 30, bắt đầu từ ngày 3-11-2004)

HƯỚNG DƯƠNG

Related Articles