Dạy tiếng Việt ở Đài Loan: 80.000 bạn trẻ khát khao tiếng mẹ đẻ

by teacher

Để “thế hệ thứ hai” này hiểu ngôn ngữ, văn hóa quê mẹ, những năm qua không ít lớp tiếng Việt đã được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều bà mẹ Việt vì không muốn con mình “mất gốc” đã tìm cách lên lớp dạy tiếng Việt cho con em mình.

“Ăn cơm”, “mẹ ơi”, “bác sĩ”…

Trường tiểu học Văn Đức nằm ở TP Tân Đài Bắc, cách TP Đài Bắc chừng 30 phút đi ôtô. Mặc dù đến năm 2018, Đài Loan mới chính thức đưa tiếng Việt vào dạy ở các trường phổ thông như là ngoại ngữ thứ hai cho học sinh lựa chọn, nhưng ở trường này lớp tiếng Việt đã duy trì được hơn sáu năm nay cho 45 học sinh có mẹ là người Việt.

“Thứ bảy, chủ nhật chúng tôi còn mời phụ huynh gốc Việt mặc trang phục truyền thống, đến trường nấu món ăn Việt Nam để học sinh hiểu hơn về văn hóa Việt Nam nữa” – ông Từ Chính Thuận, hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Đức, nói với phóng viên Tuổi Trẻ.

Rồi ông Thuận đưa chúng tôi đến nhà triển lãm nằm trong khuôn viên trường. Từ xa, đập vào mắt là các chị mặc áo dài truyền thống Việt Nam màu xanh lá mạ. Cạnh đó là những hình ảnh, món ăn truyền thống của người Việt như múa rối, nữ sinh trong tà áo dài trắng, chả giò, vịnh Hạ Long…

“Trường vừa tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam cho học sinh. Những hình ảnh này chúng tôi lên mạng tìm hiểu, tham khảo ý kiến của phụ huynh, giáo viên và đưa lên đây” – ông Thuận nói.

Cửa vào nhà triển lãm được thiết kế hình tròn như quả địa cầu với ngụ ý khi bước vào khu vực này là bước vào một thế giới đa văn hóa. Bên trong được trưng bày vài loại trái cây bằng nhựa như chôm chôm, măng cụt, vú sữa…

Có thể bạn quan tâm:  30 câu chúc Tết thường dùng ở Đài Loan

Cạnh đó, tiếng của một cô giáo giảng bài bằng tiếng Trung vang lên, thỉnh thoảng xen vào những từ tiếng Việt. Khi cô giáo nói từ “bác sĩ”, lập tức phía dưới hơn 20 học sinh cũng đồng thanh “bác sĩ”. Khi cô nói từ “bạn tốt”, “hớt tóc”… phía dưới cũng đồng thanh đọc theo.

Đó là lớp tiếng Việt cho học sinh có mẹ là người Việt, do cô giáo Huỳnh Mỹ Mãn làm chủ nhiệm. Mãn là người Việt qua Đài Loan được 7 năm. Lớp học tiếp tục nhộn nhịp hơn khi cô giáo mời một bạn học sinh lên đọc lại hàng chữ tiếng Việt ghi trên bảng và được cô thưởng bằng những chiếc kẹo vì phát âm đúng.

Em Sưởng Nhi (lớp 3) kể bằng tiếng Trung rằng mọi người trong nhà ít khi dùng tiếng Việt, nên em cũng biết rất ít tiếng Việt. Hỏi biết nói từ tiếng Việt nào, Sưởng Nhi suy nghĩ một lát nói từ “ăn cơm” rồi im lặng. Còn em Vĩnh Trúc (lớp 2) khi được hỏi những từ tiếng Việt mình biết đã nói ngay “ăn cơm”, “mẹ ơi”, “bác sĩ”, “con vịt”. Một lúc sau Vĩnh Trúc lại nói thêm từ “áo khoác”, “quả na”.

Đưa múa rối, Thạch Sanh vào bài học

Cô Huỳnh Mỹ Mãn kể cứ một tuần cô lại dành 45 phút để đến Trường tiểu học Văn Đức dạy tiếng Việt cho học sinh nơi đây.

“Khó khăn lớn nhất trong chuyện dạy tiếng Việt cho học sinh là mỗi tuần chỉ có một tiết thôi. Vì thế khi đến lớp, tôi cố gắng tổ chức những trò chơi để các em có thể nhớ ngay những từ đã học. Tôi cũng đưa vào bài học những câu chuyện như Thạch Sanh, chú Cuội, múa rối… để học sinh hiểu thêm văn hóa Việt” – cô Mãn nói.

Có thể bạn quan tâm:  Đi Đài Loan mua gì – 15 món quà Đài Loan bạn nên mua khi đi du lịch

Theo cô Mãn, vì dạy theo kiểu tự phát nên toàn bộ giáo trình đều do chính cô lập nên. “Để các em dễ tiếp thu, tôi bỏ sẵn dấu vào các chữ để các em ghi nhớ mặt chữ. Chẳng hạn như chữ “cá” tôi sẽ viết ra luôn chữ “cá” chứ phiên âm ra và thêm dấu sắc các em sẽ không nhớ được” – cô Mãn chia sẻ.

Theo ông Từ Chính Thuận: “Việc dạy thêm tiếng Việt không chỉ giúp học sinh biết được ngôn ngữ, văn hóa quê hương mình mà còn giúp học sinh Đài Loan biết thêm về những nền văn hóa mới. Từ năm 2018, khi tiếng Việt được đưa vào dạy chính thức, trường tiếp tục và phát triển thêm những lớp học này mà thôi”.

Tương tự, cô Tống Tú Trân – hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Tân Đài Bắc – cũng cho biết cô đã tự mời giáo viên đến trường dạy thêm tiếng Việt cho học sinh ở trường ba năm qua. “Chúng tôi nhận thấy Đài Loan ngày càng nhiều học sinh có mẹ đến từ các quốc gia khác nhưng chỉ dạy tiếng Trung cho các em là chưa thỏa đáng” – cô Tống Tú Trân nhấn mạnh về mục đích tổ chức các lớp dạy tiếng Việt của mình.

80.000 trẻ “thế hệ thứ hai”

Theo bà Âu Quý Hy – bí thư giáo dục Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM: hiện có hơn 100.000 cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan và “thế hệ thứ hai” mang hai dòng máu Việt – Đài theo thống kê là 80.000 người.

“Cô dâu các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lấy chồng Đài Loan ngày càng tăng lên. Khi con của các cặp vợ chồng này ra đời, giáo dục phải thay đổi để phù hợp với hệ thống đa văn hóa, đa ngôn ngữ tại Đài Loan. Với việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy, chúng tôi hi vọng học sinh – con của các cô dâu Việt – có thể hòa nhập tốt hơn với môi trường giáo dục Đài Loan và bình đẳng như những đứa trẻ khác”.

Có thể bạn quan tâm:  Bảng chữ cái tiếng Trung và cách đọc bảng chữ cái tiếng Trung Quốc

Hiện nay việc biên soạn sách giáo khoa đã hoàn tất. Đài Loan đang chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện việc này.

Dạy tiếng Việt ở bậc phổ thông

“Kể từ năm học 2018, Đài Loan sẽ đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông ở vùng lãnh thổ này như là một ngoại ngữ thứ hai cho học sinh lựa chọn”. Thông tin này được bà Âu Quý Hy xác nhận với Tuổi Trẻ.

Theo bà Hy, việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy cho học sinh sẽ bắt đầu từ lớp 3 của bậc tiểu học. “Hiện nay, sách giáo khoa để giảng dạy tiếng Việt cho học sinh ở Đài Loan đã cơ bản hoàn tất. Sách này do các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, khoa Việt Nam học ở các trường đại học tại Đài Loan biên soạn. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy hợp tác, trao đổi giữa các trường sư phạm của Đài Loan và Việt Nam để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho việc giảng dạy này” – bà Hy nói.

Ngoài ra theo bà Hy: Cao Hùng và Tân Đài Bắc là hai TP có nhiều cô dâu Việt nhất, do đó sở giáo dục của hai TP này đang có chương trình tập huấn, nâng cao trình độ cho các cô dâu Việt để họ có thể làm giáo viên dạy tiếng Việt ở các trường phổ thông. “Giáo viên tiếng Việt có thể dạy nhiều trường lân cận nên nếu một trường chỉ có một học sinh chọn học tiếng Việt, trường cũng sẽ tổ chức dạy” – bà Hy nói.

Related Articles